Trang chủ /

Đầu tư

Sau Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26) ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố cam kết “Việt Nam sẽ đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050” (Theo báo Thủ tướng Chính phủ). Kể từ đó các hoạt động sản xuất kinh doanh xoay quanh năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, trồng rừng…nhằm giảm phát thải khí nhà kính được chính phủ chú trọng và tạo nhiều điều kiện.

Bên cạnh đó năm 2025 Việt Nam sẽ thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon và đưa vào hoạt động năm 2028 sẽ mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy nền kinh tế mà vẫn đi đúng mục tiêu ban đầu đề ra của Thủ tướng. Bài viết này sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn về sự ra đời, vai trò tầm quan trọng của thị trường tín chỉ carbon. 

1. Tín chỉ carbon là gì? 

Tín chỉ carbon (carbon credits) là một chứng nhận có thể giao dịch thương mại, cung cấp định giá cho lượng carbon được thải ra. Một tín chỉ carbon tương đương với một tấn CO2 hoặc lượng khí nhà kính tương đương khác được giảm hoặc hấp thụ từ khí quyển. Thị trường carbon là một cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon. 

tin-chi-carbon-vai-tro-cua-thi-truong-carbon
Tín chỉ carbon và vai trò của thị trường carbon

Cơ chế hoạt động của tín chỉ carbon dựa trên nguyên tắc “ người gây ô nhiễm phải trả tiền”.  Chính phủ hoặc một tổ chức quản lý sẽ đặt ra một giới hạn cho lượng khí thải nhà kính mà các doanh nghiệp được phép thải ra. Nếu vượt quá mức quy định, họ phải mua thêm tín chỉ carbon, ngược lại doanh nghiệp phát sinh lượng phát thải thực tế thấp hơn mức giới hạn họ được cho phép thì doanh nghiệp đó có thể bán phần tín chỉ dư thừa đó cho một công doanh nghiệp khác có phát thải vượt quá mức giới hạn. 

Ví dụ:  

Tesla, Inc., công ty ô tô và năng lượng sạch của Mỹ. Tesla không chỉ sản xuất ô tô điện nhằm giảm phát thải carbon trong ngành giao thông mà còn tham gia vào thị trường tín chỉ carbon thông qua việc bán tín chỉ phát thải. Do sản phẩm của họ giúp giảm lượng khí CO2 và khí nhà kính khác, Tesla có thể kiếm được tín chỉ carbon từ các chương trình và tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế. 

Dưới chương trình ZEV của California, các nhà sản xuất ô tô phải bán một tỷ lệ nhất định ô tô không phát thải trong tổng số xe bán ra. Tesla, với dòng sản phẩm hoàn toàn không phát thải, kiếm được số lượng lớn tín chỉ ZEV, sau đó họ có thể bán tín chỉ này cho các nhà sản xuất ô tô khác chưa đạt được mục tiêu không phát thải của mình.  

Thông qua việc bán tín chỉ này, Tesla đã tạo ra một nguồn doanh thu đáng kể, giúp hỗ trợ tài chính cho hoạt động nghiên cứu và phát triển cũng như mở rộng sản xuất. Điều này chứng tỏ rằng tham gia vào thị trường tín chỉ carbon không chỉ là một hành động bảo vệ môi trường mà còn có thể mang lại lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp tiên phong trong việc giảm phát thải. 

2. Sự ra đời của thị trường tín chỉ carbon 

Thị trường tín chỉ carbon bắt nguồn từ Kỷ nguyên Kyoto, được thiết lập dưới Bản Hiệp định Kyoto vào năm 1997. Bản Hiệp định này là một phần của Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến Đổi Khí Hậu (UNFCCC) và đánh dấu bước ngoặt quan trọng đầu tiên trong nỗ lực toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải nhà kính gây hiệu ứng nhà kính. Thị trường tín chỉ carbon được thiết lập như một cơ chế linh hoạt để giúp các quốc gia tham gia đạt được các mục tiêu giảm phát thải của họ một cách hiệu quả về chi phí. 

Bản Hiệp định Kyoto chính thức có hiệu lực vào năm 2005 sau và nay là Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Từ đó, thị trường tín chỉ carbon bắt đầu phát triển và mở rộng, với sự ra đời của các hệ thống giao dịch phát thải quốc gia và khu vực, cũng như các sáng kiến tự nguyện. Thị trường này cho phép giao dịch quyền phát thải CO2 và các khí nhà kính khác, với mục đích khuyến khích giảm phát thải thông qua cơ chế thị trường. 

3. Tầm quan trọng của thị trường Carbon trong nổ lực giảm phát thải nhà kính 

tam-quan-trong-cua-thi-truong-carbon-hien-nay
Tầm quan trọng của thị trường carbon hiện nay

Thị trường carbon đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu nhằm giảm phát thải khí nhà kính và chống lại biến đổi khí hậu, bên cạnh đó còn hỗ trợ tài chính cho các dự án bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Dưới đây là những vai trò chính của thị trường carbon: 

  • Khuyến khích giảm phát thải: Thị trường carbon tạo ra một cơ chế kinh tế để khuyến khích các doanh nghiệp và quốc gia giảm lượng khí thải nhà kính của họ. Bằng cách đặt một chi phí giá trên một tấn carbon, nó làm tăng chi phí hoạt động kinh doanh của một tổ chức hay một quốc gia và khuyến khích tìm kiếm giải pháp thân thiện với môi trường hơn. 
  • Tạo cơ hội đầu tư vào công nghệ sạch: Thị trường carbon thúc đẩy đầu tư vào công nghệ sạch và năng lượng tái tạo bằng cách làm cho chúng trở nên cạnh tranh hơn về mặt kinh tế so với các nguồn năng lượng dựa trên carbon. 
  • Tạo nguồn tài chính cho các dự án giảm phát thải: Doanh thu từ bán tín chỉ carbon có thể hỗ trợ tài chính cho các dự án giảm phát thải, bao gồm cả các dự án trong các quốc gia đang phát triển, giúp họ chuyển đổi sang một nền kinh tế ít carbon hơn mà không làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. 
  • Chia sẻ công nghệ: Thị trường carbon cũng có thể thúc đẩy việc chia sẻ công nghệ giữa các quốc gia và doanh nghiệp, giúp lan tỏa các giải pháp giảm phát thải hiệu quả trên toàn cầu. 
  • Nâng cao nhận thức: Thị trường carbon góp phần nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của việc giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp hành động một cách có trách nhiệm hơn với môi trường. 
  • Tạo lập giá carbon toàn cầu: Một thị trường carbon hoạt động hiệu quả có thể góp phần vào việc tạo lập một giá carbon toàn cầu, giúp đảm bảo rằng nỗ lực giảm phát thải được thực hiện một cách công bằng và hiệu quả trên toàn thế giới. 

Tóm lại, thị trường carbon là một công cụ quan trọng trong việc chống lại biến đổi khí hậu, giúp chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu sang một hướng bền vững hơn thông qua việc giảm phát thải và khuyến khích sử dụng năng lượng sạch. 

4. Có mấy loại tín chỉ carbon 

co-2-loai-tin-chi-carbon
Có 2 loại tín chỉ carbon hiện nay

Có 2 loại tín chỉ carbon hiện nay: Tín chỉ Carbon (Carbon Credit ) và Tín chỉ Bù đắp Carbon (Carbon Offset Credit). Hai loại này thoạt nhìn có nhiều nét tương đồng nhưng chúng có sự khác biệt về nguồn gốc, mục đích và cách thức hoạt động: 

4.1 Carbon Credit:

Với tín chỉ Carbon thường được dùng ở Thị trường carbon bắt buộc, các tín chỉ carbon được phát hành bởi các cơ quan quản lý và được giao dịch trong thị trường carbon bắt buộc.

Theo đó việc mua bán tín chỉ carbon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Thị trường này chủ yếu dành cho các dự án trong cơ chế phát triển sạch (CDM), cơ chế phát triển bền vững SDM, Cơ chế đồng thực hiện (JI). 

4.2 Carbon Offset Credit:

Nếu như tín chỉ carbon được giao dịch ở thị trường bắt buộc thì tín chỉ bù đắp carbon được giao dịch trên thị trường tự nguyện. Bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp. 

Tín chỉ bù đắp carbon đến từ 02 nguồn chính: 

  • Dựa trên thiên nhiên: Bao gồm trồng rừng, bảo tồn rừng và các dự án bảo vệ môi trường khác nhằm mục đích hấp thụ CO2 (carbon dioxide) từ khí quyển. 
  • Dựa trên công nghệ: Bao gồm sử dụng năng lượng tái tạo, phát triển các phương pháp sản xuất thân thiện với môi trường và các công nghệ khác nhằm giảm phát thải trực tiếp. 

Khi một dự án bù đắp carbon được hoàn thành, tổ chức phát triển dự án có thể bán tín chỉ bù đắp carbon cho các công ty khác trên thị trường carbon tự nguyện. Các công ty mua bù đắp carbon có thể sử dụng chúng để bù đắp cho lượng khí nhà kính mà họ đã phát thải. 

Các thị trường carbon lớn trên thế giới: Hiện nay, có khoảng 30 thị trường carbon đang hoạt động trên toàn cầu. Các thị trường này không chỉ giới hạn ở một quốc gia cụ thể mà còn được thiết lập ở cả cấp độ khu vực và quốc tế trong đó phải kể đến là thị trường giao dịch khí thải quốc tế Liên minh Châu Âu EU thị trường này chiếm khoảng 3/4 thị trường carbon toàn cầu.  

Tính đến tháng 5 năm 2024 có 35 quốc gia áp dụng thuế carbon và 58 quốc gia phát triển thị trường carbon, một số quốc gia áp dụng cả hai, theo Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Dù nước ta chưa chính thức đi vào hoạt động thị trường carbon nhưng đã có hàng trăm dự án tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn quốc tế độc lập đang triển khai và đã có những dự án năng lượng xanh giao dịch thành công ra thị trường nước ngoài.

Theo Trung tâm Khoa học và Hợp tác Net Zero Việt Nam – ASIA chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính (CERs) của Rạng Đông được bán đấu giá thành công cho một doanh nghiệp đến từ Thụy Sĩ, với đơn giá 13,5 EUR vào năm 2010.

Hay dự án điện gió tỉnh Bạc Liêu bán thành công tín chỉ tức phần giảm phát thải carbon, cho một tổ chức của Thụy Sĩ với giá 1,8 euro trên mỗi tín chỉ carbon (1 tín chỉ carbon tương đương 1 tấn CO2). Hơn hai năm nay, dự án của anh đã thu về hơn 500.000 euro nhờ bán tín chỉ carbon ngoài sản phẩm chính là bán điện cho điện lưới quốc gia.

Tại VBF 2024 Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết hiện nay có hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam đã được cấp tín chỉ carbon với số lượng khoảng trên 41 triệu tín chỉ carbon. Với con số này, Việt Nam đứng thứ 5 trong số các quốc gia cung cấp tín chỉ carbon trên thế giới. Điều đó cho thấy rằng Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có tiềm năng phát triển thị trường carbon trong thời gian tới.

Theo lộ trình đề xuất trước đó, cùng việc đã bắt tay hoàn thiện hành lang pháp lý, đến năm 2025 Việt Nam bắt đầu thí điểm. Cụ thể Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Nghị định này có quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước. Giai đoạn từ năm 2028, thị trường carbon Việt Nam sẽ chính thức đi vào hoạt động gồm Tổ chức vận hành, Quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới hứa hẹn sẽ mang về nhiều lợi ích cho nước ta cả về kinh tế và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. 

Nguồn tổng hợp

Chia sẻ:

Kiến thức đầu tư •

21/11/2023

Back to Top